Tại buổi lễ, ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, đơn vị chủ trì
xây dựng Cổng dữ liệu quốc gia cho biết, thực hiện Nghị định số 47/2020/NĐ-CP
ngày 9/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ
quan nhà nước và Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đã phối hợp với
các các cơ quan có liên quan xây dựng Cổng dữ liệu quốc gia. Cổng dữ liệu
quốc gia là điểm đầu mối truy cập thông tin, dữ liệu trên mạng Internet phục
vụ việc công bố dữ liệu mở, cung cấp thông tin về chia sẻ dữ liệu của cơ
quan nhà nước; cung cấp các tài liệu, dịch vụ, công cụ, ứng dụng xử lý, khai
thác dữ liệu được công bố bởi các cơ quan nhà nước.
Trong giai đoạn đầu, Bộ TT&TT sẽ xây dựng và ra mắt một số phân hệ cơ bản
của hệ thống bao gồm đăng tải thông tin về hiện trạng dữ liệu trong cơ quan
nhà nước, phân hệ dữ liệu mở của cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó Cổng cũng kết
nối tích hợp một số nền tảng như bản đồ số Vmap, mã địa chỉ bưu chính
Vpostcode... nhằm tăng tiện ích, hỗ trợ người dùng ở mức tối ưu nhất. Đây là
bước khởi đầu cho việc phát triển, xây dựng Cổng, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu,
mở rộng từng phân hệ và thành phần của Cổng để Cổng sẽ là công cụ, là nền
tảng và đóng vai trò đắc lực thực hiện chủ trương dữ liệu là cốt lõi, là nền
tảng trong phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ chỉ đạo điều hành dựa
trên dữ liệu.
Về vai trò của Cổng dữ liệu quốc gia, đại diện Cục Tin học hóa nhận định,
Cổng sẽ góp phần minh bạch về dữ liệu, dữ liệu không chỉ truy cập được, xem
được mà còn được chia sẻ và tái sử dụng. Minh bạch dữ liệu giữa các cơ quan
nhà nước với nhau, minh bạch với người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, Cổng
dữ liệu quốc gia còn cung cấp bức tranh tổng thể về dữ liệu của cơ quan nhà
nước, công bố Chiến lược, Kế hoạch, Kiến trúc, Tiêu chuẩn,… về dữ liệu của
mỗi ngành .Ngành nào đang có CSDL gì, đã hoàn thiện chưa, đã chia sẻ trong
nội bộ ngành và ra ngoài ngành hay chưa?
Về danh mục dữ liệu dùng chung, cần bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về dữ
liệu giữa các hệ thống thông tin, giải pháp phục vụ chính phủ số.
Dữ liệu mở sẽ góp phần tăng cường sự minh bạch, thúc đẩy sáng tạo, hỗ trợ DN
công nghệ số, đặc biệt là doanh nghiệp về AI, doanh nghiệp start-up.
Về phương hướng phát triển, ông Đỗ Công Anh cho biết, Cổng dữ liệu quốc gia
cần tiếp tục được hoàn thiện, tích hợp với các hệ thống khác để hình thành
Hạ tầng dữ liệu quốc gia. Ngoài ra, cần sự chung tay hành động quyết liệt
của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan nghiên cứu để tăng cường quản trị
dữ liệu, thúc đẩy phát triển dữ liệu mở; Tăng cường hợp tác với các doanh
nghiệp công nghệ số Việt Nam để cùng khai thác và cung cấp dữ liệu mở, từ đó
tạo dựng hệ sinh thái dữ liệu trên Cổng dữ liệu quốc gia; Tăng cường hợp tác
với các tổ chức dữ liệu mở trên thế giới để nâng cao vị thế, thứ hạng của
Việt Nam.
Cổng dữ liệu quốc gia trên mạng Internet có địa chỉ là https://data.gov.vn;
Cổng dữ liệu mở thuộc Cổng dữ liệu quốc gia có địa chỉ là https://open.data.gov.vn.
Người sử dụng cũng có thể sử dụng tài khoản PostID của Tổng công ty Bưu điện
Việt Nam để truy cập Cổng dữ liệu quốc gia đối với những hạng mục cần định danh.