Các nội dung dự kiến của Nghị định gồm: Quy định về
chức danh, tiêu chuẩn đối với cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin (CNTT)
trong cơ quan nhà nước (CQNN); quy định về tuyển dụng cán bộ chuyên trách CNTT
để đảm bảo tuyển dụng được người giỏi phục vụ CQNN; chế độ làm việc, công tác;
chế độ phụ cấp đảm bảo mức thu nhập từ 60-70% so với bên ngoài; trang thiết bị
phục vụ công tác; các chế độ về đào tạo, nâng cao trình độ; các chế độ về khen
thưởng, kỷ luật; các ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, nhà ở...
Thông tin trên được ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ
trưởng Vụ Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tại
Hội thảo hợp tác phát triển Công nghệ Thông tin-Truyền thông lần thứ 20 được tổ
chức tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Cũng theo ông Tuyên, tỷ lệ cán bộ chuyên trách CNTT
trong cơ quan Nhà nước là 4%, các địa phương là 1%.
Nhân lực CNTT ở các địa
phương thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng dẫn đến khó đảm bảo được hoạt
động thông suốt của các hệ thống CNTT của nhà nước khi xảy ra sự cố dẫn đến nguy
cơ về mất an toàn thông tin, ngưng trệ các hoạt động quản lý nhà nước.
Về sử dụng nhân
lực CNTT trong cơ quan nhà nước, khó khăn trong việc tuyển dụng cán bộ; ít biên chế,
kiêm nhiệm nhiều vị trí; chảy máu nhân lực từ cơ quan nhà nước sang khối tư nhân
do chế độ đãi ngộ thấp (lương, thưởng, ưu đãi) so với khối tư nhân; môi trường
làm việc chưa đáp ứng (trang thiết bị, cơ sở vật chất); tuyển dụng không đánh
giá được trình độ về CNTT và gây khó cho những người giỏi CNTT; khả năng thăng
tiến và phát triển còn thấp.
Thu nhập khởi điểm nhân lực CNTT trong CQNN còn thấp
Về thu nhập khởi điểm nhân lực CNTT, ông Tuyên so
sánh, trong CQNN lương khởi điểm kỹ sư mới ra trường là 2,8 triệu đồng,
thời gian tăng lương 3 năm/lần với mức tăng lương/lần là 400.000 đồng; trong khi
đó, doanh nghiệp tư nhân trả lương kỹ sư mới ra trường là 7 triệu đồng, thời
gian tăng lương 1-2 năm/lần với mức tăng lương từ 2-3 triệu đồng/lần.
Một số bộ, ngành, địa phương đã hoặc dự kiến có
chính sách ưu đãi cho cán bộ CNTT như Bộ tài chính (Tổng Cục thuế, Kho bạc Nhà
nước, Tổng cục Hải quan...); các tỉnh, thành phố: Vũng Tàu, Bình Dương, Nghệ An,
Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Sơn La...
Chẳng hạn như hỗ trợ theo vị trí công tác: Chuyên
trách CNTT 500.000-3.000.000 đồng/người/tháng; bán chuyên trách CNTT 400-700.000
đồng/người/tháng; lãnh đạo, quản lý trực tiếp về CNTT 400-800.000 đồng/người/tháng.
Ngoài ra, hỗ trợ theo bằng cấp: Tiến sĩ 2.420.000-3.363.000 đồng/người/tháng;
Thạc sĩ 1.815.000-3.025.000 đồng/người/tháng; Đại học 1.210.000-2.420.000 đồng/người/tháng;
Cao đẳng 1.210.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra, hỗ trợ theo mức chung 700.000 -
1.000.000 đồng/người/tháng. Một số hình thức hỗ trợ khác như ưu tiên thuê nhà
chung cư (Đà Nẵng), đào tạo, thi đua khen thưởng...
Mong muốn có chính sách thu hút nhân tài CNTT
Ông Tuyên cho biết thêm, tại Điều 29 Luật Công nghệ
cao đưa ra một số quy định về thu hút, sử dụng nhân lực công nghệ cao như tạo
môi trường làm việc, sống thuận lợi cho hoạt động công nghệ cao; chế độ tiền
lương, phụ cấp, bảo hiểm; bổ nhiệm vào vị trí then chốt để thực hiện các nhiệm
vụ khoa học và công nghệ của Nhà nước; ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập cá nhân;
tạo điều kiện tham gia hoạt động hợp tác quốc tế về công nghệ cao; tôn vinh,
khen thưởng người có thành tích xuất sắc, tuy nhiên quy định còn chung chung khó
áp dụng.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương mong muốn có chính sách thu hút
nhân tài nhưng còn gặp khó khăn vì chưa có chính sách chung quốc gia, hạn chế về
ngân sách, biên chế, và mức đãi ngộ còn thấp.
Cũng tại Khoản 1 Điều 44 Luật Công nghệ thông tin
quy định "Người hoạt động chuyên trách về ứng dụng và phát triển CNTT trong các
cơ quan nhà nước được hưởng chế độ ưu đãi về điều kiện làm việc".
Từ những lý do trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đề
xuất Chính phủ xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Công nghệ thông tin về
chế độ ưu đãi điều kiện làm việc của người hoạt động chuyên trách về ứng dụng và
phát triển CNTT trong CQNN.
Hoàng Diên