Kinh nghiệm đóng góp vào quá trình phát triển Chính phủ điện tử

(Chinhphu.vn) - Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, quá trình triển khai và những kết quả tích cực đạt được trong công tác cải cách TTHC, xây dựng Chính phủ điện tử đã góp phần vào những thành tựu chung của Văn phòng Chính phủ. Kết quả này có thể đúc rút một số kinh nghiệm cụ thể sau một thời gian triển khai.

Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Thứ nhất là sự quyết tâm chính trị, thống nhất quan điểm chỉ đạo và bám sát mục tiêu đề ra. Công tác cải cách TTHC và triển khai xây dựng Chính phủ điện tử đều là những nhiệm vụ lớn, có nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, không chỉ ở Việt Nam mà ở cả các quốc gia trên thê giới. Ngay từ khi nhận nhiệm vụ này, VPCP đã tổ chức các đoàn đi học tập kinh nghiệm của các quốc gia có thành tựu về cả cải cách hành chính và xây dựng CPĐT như Estonia, Pháp, Malaysia, Hàn Quốc, Mỹ… và phối hợp với Ngân hàng Thế giới để đánh giá mức độ sẵn sàng dữ liệu mở và Chính phủ số tại Việt Nam. Qua các chuyến đi, Văn phòng Chính phủ đã rút ra một số bài học kinh nghiệm có tính chất quyết định để bảo đảm sự thành công của các công tác này.

.

Điểm nổi bật trong các bài học này là thống nhất quan điểm chỉ đạo từ người đứng đầu. Nhận thức sâu sắc được vai trò đó, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia về CPĐT do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Uỷ ban trực tiếp chỉ đạo triển khai xây dựng CPĐT. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từng thành viên Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương đều phải vào cuộc, có sự thay đổi trong nhận thức và hành động, thống nhất quan điểm “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”, phải “nghĩ lớn, nghĩ tổng thể, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có hiệu quả lớn”.

.

Thứ hai là thể chế cần đi trước để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai cải cách TTHC và Chính phủ điện tử. Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế phải đi trước làm cơ sở tạo hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện cho quá trình triển khai. Thực tế, thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng, thống nhất, hiệu quả cho quá trình triển khai để cải tiến, đưa ra lề lối, phương thức làm việc mới thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin.

.

Thứ ba là gắn kết cải cách hành chính với xây dựng CPĐT, cải cách dẫn dắt, ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ. Qua kinh nghiệm của các nước, để hiện đại hóa hành chính đạt được hiệu quả như mong muốn thì trước hết cần phải tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, trong đó chú trọng tối ưu hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với từng bước. Kinh nghiệm này đã được ứng dụng trong quá trình xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống e-Cabinet và đã nhận được kết quả tích cực. Các dịch vụ công được đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia phải đáp ứng yêu cầu về tài cấu trúc quy trình, thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp.

.

Theo ông Ngô Hải Phan, kinh nghiệm thứ tư là lấy người dùng làm trung tâm. Đây là quan điểm xuyên suốt trong tất cả các nhiệm vụ từ thể chế đến hiện đại hóa hành chính. Việc lấy người dùng làm trung tâm sẽ nâng cao chất lượng phục vụ, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai. Cụ thể như Nghị định 61/2018/NĐ-CP với quan điểm cá nhân, tổ chức làm trung tâm quy định việc triển khai cơ chế một cửa phải công khai minh bạch, cải thiện hạ tầng, nâng cao trách nhiệm, tăng cường giám sát, đánh giá chất lượng và tiếp nhận phản hồi trong quá trình giải quyết TTHC. Cổng dịch vụ công quốc gia khi xây dựng cũng luôn đề cao tính thân thiện, tiện dụng với người dùng và lựa chọn các dịch vụ công thiết yếu, phù hợp để ưu tiên tích hợp trước.

Thứ năm là sự vào cuộc tích cực của bộ, ngành, địa phương và huy động sự tham gia của cả xã hội, vận dụng có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế. Cải cách TTHC, xây dựng CPĐT là nhiệm vụ lớn, cần sự vào cuộc của cả xã hội, không chỉ từ phía cơ quan nhà nước. Uỷ ban Quốc gia về CPĐT, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đều có các thành viên của khu vực tư nhân. Các chính sách khi xây dựng đều lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp.

.

Trong quá trình triển khai, bên cạnh thúc đẩy sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, VPCP thường xuyên tham vấn các chuyên gia, huy động sự tham gia của các tổ chức trong nước và quốc tế, vận dụng có chọn lọc kinh nghiệm triển khai thực tiễn của một số quốc gia đã thành công. Các hệ thống này mới đưa vào hoạt động trong thời gian ngắn nhưng đã phát huy hiệu quả và nhận được sự ủng hộ, đánh giá tích cực.

.

Thứ sáu là có phương pháp, cách làm khoa học. Các hệ thống thông tin Chính phủ do VPCP triển khai đều phải xây dựng Đề án để xác định rõ mục tiêu, phạm vi, chức năng, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, sau đó mới triển khai. Các hệ thống lớn như Cổng dịch vụ công quốc gia trước khi vận hành chính thức đều phải qua 4 quá trình (chạy thử trên môi trường thử nghiệm, chạy thật trên môi trường thử nghiệm, chạy thử trên môi trường thật và chạy thật trên môi trường thật), đồng thời gắn chặt chẽ với việc bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống.

.

Thứ bảy là chú trọng công tác truyền thông và đào tạo, nâng cao nhận thức của toàn xã hội. Trong công tác truyền thông, đào tạo, nâng cao nhận thức cần đặc biệt chú ý đến cả hai nhóm đối tượng: nội bộ và bên ngoài, trong đó phải có nội dung, chương trình, phương pháp phù hợp đối với từng nhóm. Việc truyền thông cho đối tượng là người dân, doanh nghiệp thực hiện sẽ tạo sự ủng hộ, khuyến khích việc tham gia thực hiện, góp ý, phản biện để cải thiện chất lượng dịch vụ; còn truyền thông, đào tạo cho cán bộ, công chức sẽ giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự ủng hộ, tham gia quản lý, vận hành đảm bảo thông suốt, hiệu quả.

Các bài mới

Các bài đã đăng