Phát biểu tại lễ ký, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng
nhấn mạnh, trong thời gian qua, cải cách TTHC, ứng dụng CNTT trong hoạt động chỉ
đạo, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhất là
trong lĩnh vực hành chính tư pháp đã được Chính phủ xác định là một trong những
nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá.
Tuy nhiên, việc triển khai các nội dung này mới chủ yếu tập
trung tổ chức thực hiện ở nội khối các cơ quan hành chính nhà nước, mà dường như
còn thiếu sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ với quá trình cải cách giữa các cơ quan
lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Vì vậy, việc ký kết Quy chế phối hợp không chỉ là sự kiện
quan trọng của hai cơ quan Văn phòng Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao, mà
còn là dấu mốc trong việc gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa công tác cải cách, xây
dựng Chính phủ điện tử của cơ quan hành chính nhà nước với công tác cải cách
hành chính tư pháp, xây dựng Tòa án điện tử của cơ quan tư pháp để tạo thành sức
mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện các nhiệm vụ được
giao của cả hai cơ quan.
Đến nay, VPCP và Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp triển
khai thành công kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên
thông văn bản quốc gia; tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến của Tòa
án nhân dân trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, gồm: (1) Tra cứu bản án, quyết định
của Tòa án, Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán, án lệ; (2) Nộp đơn khởi kiện, tài
liệu, chứng cứ; (3) Đăng ký nhận các thông báo, văn bản tố tụng bằng phương thức
điện tử; (4) Đăng ký cấp bản sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án; (5) Thanh
toán tạm ứng án phí được thí điểm tại thành phố Hà Nội.
"Việc ký kết Quy chế này sẽ tạo cơ sở cho công tác phối hợp
giữa hai cơ quan đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn nữa", Bộ trưởng, Chủ
nhiệm VPCP cho biết.
Quy chế này cũng là cơ sở để Văn phòng Chính phủ nâng cao
chất lượng công tác tham mưu, giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong
chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính,
xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.