Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP trao quà lưu niệm cho ông Makhtar Diop, Phó Chủ tịch WB phụ trách hạ tầng.
Tiếp tục chương trình làm việc tại Washington, D.C., sáng 13/4, Bộ trưởng Chủ nhiệm, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã làm việc với các lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách hạ tầng, kiến trúc và công nghệ.
Trao đổi ông Makhtar Diop, Phó Chủ tịch WB phụ trách Hạ tầng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, trong năm 2019, Chính phủ Việt Nam ưu tiên việc xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao chỉ số về phát triển Chính phủ điện tử với ba nhóm chỉ số thành phần về dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực, tới hết năm 2020 tăng từ 10 tới 15 bậc, nằm trong nhóm 5 quốc gia đứng đầu ASEAN.
Từ tháng 8/2018, Việt Nam đã có những bước đi đáng chú ý. Chúng tôi đã thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch ủy ban, chỉ đạo trực tiếp quá trình xây dựng Chính phủ điện tử. Ngày 12/3 vừa qua, Việt Nam đã khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia, sắp tới Việt Nam sẽ công bố Khung kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0; dự kiến tháng 11/2019 sẽ khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia. Từ 21/3 toàn bộ văn bản từ Chính phủ gửi Bộ, ngành, địa phương và ngược lại sử dụng đường gửi nhận điện tử và sử dụng chữ ký số. Hiện nay VPCP đang thực hiện VPCP phi giấy tờ.
.
Những nội dung này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP mong muốn tiếp tục nhận được những hỗ trợ, tư vấn của WB về kinh nghiệm, mô hình tốt trên thế giới, việc xây dựng thể chế, nội dung các đề án, giải pháp kỹ thuật cụ thể, xây dựng công cụ đánh giá kết quả thực hiện và truyền thông cho cộng đồng, xã hội; đào tạo nguồn nhân lực…
.
Ông Makhtar Diop và các chuyên gia đến từ WB đã trao đổi về những tiến bộ của Việt Nam khi WB khi giúp Việt Nam liên quan đến các vấn đề về số hóa, giao thông vận tải, năng lượng. WB đã tiến hành đánh giá tổng thể về số hóa, điện tử tại ASEAN và hiểu Việt Nam đứng ở vị trí nào trong khu vực này. Theo chuyên gia WB, để đạt mục tiêu không sử dụng giấy tờ trong công việc thì việc cần làm làm xóa khoảng trống trong các vùng miền ở Việt Nam.
.
Đối với đào tạo nhân lực, chuyên gia WB cho biết sẵn sàng giúp cho các cơ sở đào tạo Đại học tại Việt Nam đặc biệt liên quan xu thế trí tuệ nhân tạo. Đây là chiến lược quan trọng mà WB đặt trọng tâm và sẵn sàng giúp Việt Nam và các trường Đại học nước ngoài liên kết đào tạo. Bên cạnh đó là đưa nhóm cán bộ trực tiếp sử dụng hệ thống về Chính phủ điện tử học tập kinh nghiệm tại quốc gia tiến bộ về lĩnh vực này, giúp cán bộ học thêm kỹ năng mới để thực hiện nhiệm vụ Chính phủ điện tử suôn sẻ và hiệu quả.
* Sáng cùng ngày, trao đổi với bà Lesy Goh, Giám đốc Kiến trúc và Công nghệ WB, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP mong muốn bà Lesy Goh chia sẻ cụ thể hơn về những thách thức, rủi ro chính trong triển khai Chính phủ điện tử và thực tiễn tốt tại các nước để vượt qua những thách thức, giảm thiểu rủi ro để làm cơ sở triển khai nhanh, hiệu quả Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
.
Bà Lesy Goh trao đổi các dự án diễn ra tại Việt Nam liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử, dịch vụ điện tử và tham vấn điện tử đều cần thực hiện trong thời gian hạn hẹp. Vậy khó khăn ở đây là khung thời gian và cần có giải pháp thúc đẩy dự án tiến lên phía trước bởi khung thời gian sẽ làm cho việc triển khai phải gấp rút theo hạng mục cụ thể. Bà Lesy Goh cho rằng, quan trọng là cân đối thời gian và các mục tiêu đặt ra.
.
Bà Lesy Goh cũng nêu lên kinh nghiệm triển khai Chính phủ điện tử tại nước đi trước là Singapore và đề xuất có cơ hội làm việc với đội ngũ xây dựng Chính phủ điện tử của Việt Nam để xem kế hoạch và xây dựng dự án trọng yếu, đưa ra chỉ dẫn định hướng cho đội ngũ thực hiện.
.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cảm ơn những chia sẻ của bà Lesy Goh và vui mừng chào đón bà Lesy Goh làm việc vào nhóm xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam.