Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi hệ thống CNTT, Internet sang IPv6

(Chinhphu.vn) - Với mục tiêu 100% các cơ quan nhà nước (CQNN) chuyển đổi hoàn toàn hệ thống CNTT, Internet sang IPv6 vào năm 2025, đào tạo 500 chuyên gia về IPv6, DNS trong giai đoạn 2020-2025, tháng 7/2020, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) tổ chức khóa tập huấn, đào tạo chuyên sâu về triển khai IPv6, hệ thống máy chủ tên miền DNS cho các cơ quan chuyên trách CNTT khối Bộ, ngành.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam phát biểu khai mạc chương trình

Đây là một trong chuỗi hoạt động thúc đẩy chuyển đổi Internet sang IPv6 nói chung và Chương trình IPv6 For Gov do VNNIC xây dựng và triển khai nhằm hỗ trợ các cơ quan nhà nước chuyển đổi IPv6, song song với việc quy hoạch nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống CNTT, kết nối Internet, đảm bảo ATTT.

 

Đón trước xu thế công nghệ, Việt Nam nằm trong số những quốc gia dẫn đầu về chuyển đổi hoạt động Internet sang sử dụng IPv6

 

Nhờ các hoạt động kịp thời, đúng hướng, Việt Nam đã thực hiện tốt Kế hoạch hành quốc gia về IPv6 (giai đoạn 2011 - 2019), đảm bảo mạng Internet Việt Nam hoạt động ổn định trên nền IPv6, sẵn sàng phục vụ cho phát triển Chính phủ điện tử và chuyển đổi số quốc gia. Tính đến tháng 6/2020, Việt Nam xếp thứ 10 toàn cầu trong chuyển đổi sử dụng IPv6 với tỷ lệ ứng dụng IPv6 trên mạng Internet Việt Nam đạt 44% (trung bình toàn cầu là 22%) với hơn 36 triệu người sử dụng IPv6 (25 triệu thuê bao di động 3G/4G, 11 thuê bao FTTH hoạt động tốt với IPv6).

 

Theo báo cáo của Facebook và Apple, kết nối Internet sử dụng IPv6 nhanh hơn 1,4 lần so với sử dụng IPv4. Với ưu thế vượt trội, IPv6 là giao thức Internet thế hệ mới, được thiết kế sử dụng mặc định cho triển khai 4G/LTE, 5G, IoT. Xu thế sử dụng mạng thuần IPv6 được triển khai rộng rãi trong các dịch vụ trực tuyến quy mô lớn, tại các nhà cung cấp dịch vụ Internet, mạng di động và các trung tâm dữ liệu lớn trên thế giới.

Một số cường quốc về CNTT triển khai các chương trình riêng thúc đẩy để sử dụng thuần IPv6 cho cơ quan chính phủ như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ (100% mạng thuần IPv6 năm 2025).

 

Việt Nam đã đi sớm hơn so với nhiều quốc gia về hỗ trợ, thúc đẩy IPv6 trong khối CQNN khi khai trương Chương trình IPv6 For Gov từ tháng 5/2019, đặt mục tiêu thực hiện quyết liệt, tập trung công tác chuyển đổi IPv6 trong khối CQNN trong giai đoạn 2020 – 2025.

'

Thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi hệ thống CNTT, kết nối Internet sang IPv6 của CQNN

 

Mặc dù mạng Internet Việt Nam đã hoạt động tốt với IPv6, mức độ ứng dụng IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ cơ quan nhà nước còn chậm hơn so với hiện trạng chung quốc gia. Để hỗ trợ khối CQNN, từ tháng 5/2019, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã xây dựng và khai trương Chương trình Hỗ trợ triển khai IPv6 cho cơ quan nhà nước (IPv6 For Gov) giai đoạn 2020-2025. Chương trình lấy khối CQNN là trọng tâm, 100% các CQNN chuyển đổi hoàn toàn hệ thống CNTT, Internet sang IPv6 vào năm 2025, đào tạo mới 500 lượt chuyên gia IPv6, DNS cho các cơ quan nhà nước cũng như các tổ chức khác; mục tiêu Internet Việt Nam sẵn sàng chuyển sang giai đoạn sử dụng thuần IPv6 (IPv6-only).

 

Các khuyến nghị với các Cơ quan nhà nước về chuyển đổi IPv6, xây dựng hạ tầng kết nối mạng, dịch vụ CNTT để phát triển bền vững, an toàn nhằm phát triển chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia

Trong tháng 7/2020, VNNIC đã triển khai chương trình đào tạo về IPv6, DNS đầu tiên trong năm 2020 với sự tham gia của 34 học viên đến từ 19 cơ quan phụ trách CNTT của 18 Bộ, ngành tại Hà Nội. Chương trình được xây dựng sát với hiện trạng CNTT của Bộ, ngành và cập nhật các kiến thức mới nhất về IPv6, DNS, các mô hình tham chiếu kết nối mạng Bộ, Ngành, địa phương; cùng các khuyến nghị thực tiễn để đảm bảo kết nối và an toàn dự phòng cho hệ thống mạng lưới, dịch vụ để phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam. 

 

Để chuyển đổi thành công IPv6, đảm bảo các hoạt động mạng lưới, dịch vụ đáp ứng được yêu cầu công nghệ hiện đại, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, VNNIC khuyến nghị các CQNN cần quan tâm, triển khai các nội dung sau:

 

Thứ nhất, nhận thức đúng mức tầm quan trọng của chuyển đổi IPv6 đối với mạng lưới, dịch vụ của CQNN

 

Mức độ cạn kiệt IPv4 ngày một nghiêm trọng trong khi Internet phát triển bùng nổ, chuyển đổi IPv6 là tất yếu để phát triển bền vững hoạt động Internet và các dịch vụ Internet mới (IoT, Smart City, 5G,…), gắn liền với phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi IPv6 là cơ hội để các CQNN rà soát, đánh giá lại hạ tầng mạng lưới bao gồm cấu trúc mạng lưới, kết nối định tuyến, hệ thống DNS quản lý tên miền và mạng lưới dịch vụ để đảm bảo chất lượng kết nối Internet, đảm bảo  ATTT và hướng tới phục vụ người dân tốt hơn, đặc biệt trong bối cảnh các dịch vụ Internet đã đồng loạt chuyển sang sử dụng IPv6.

 

Thứ hai, sớm ban hành kế hoạch và chuẩn bị nguồn lực để chuyển đổi IPv6, cần hoàn tất trong giai đoạn 2020-2025

 

Trong năm 2020, các Bộ, Ngành, các Tỉnh, thành phố cần sớm ban hành Kế hoạch chuyển đổi IPv6 giai đoạn 2020-2025, theo sát lộ trình chuyển đổi IPv6 với 03 Giai đoạn – 10 bước; triển khai chuyển đổi IPv6 song hành với quy hoạch hiện đại hóa hạ tầng mạng lưới, dịch vụ của tỉnh theo mô hình tham chiếu về kết nối mạng Bộ, Ngành, địa phương (theo các văn bản hướng dẫn của Bộ TTTT số 1541/BTTTT-VNNNIC và số 273/BTTTT-CBĐTW).

 

Năm 2020, các cơ quan nhà nước ưu tiên chuyển đổi IPv6 cho Cổng thông tin điện tử; các năm tiếp theo bố trí nguồn lực (nhân sự, kinh phí, tài nguyên IPv6,…) phù hợp để chuyển đổi IPv6 theo kế hoạch đã ban hành, thực hiện và hoàn tất trong giai đoạn 2020-2025.

 

Thứ ba, hành động quyết liệt để thực hiện chuyển đổi IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ CNTT

 

Trên cơ sở kế hoạch đã ban hành, nguồn lực được chuẩn bị, các CQNN cần hành động và thực hiện quyết liệt công tác chuyển đổi IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ CNTT. Ưu tiên chuyển đổi IPv6 cho Cổng thông tin điện tử, Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để đáp ứng yêu cầu kết nối của người dân; tiếp đến là các hệ thống, mạng lưới, dịch vụ khác (Hệ thống E-Mail, WiFi, Mạng LAN văn phòng, Mạng WAN …).

 

Thứ tư, thực hiện chuyển đổi IPv6 cần theo dõi, đúc kết và điều chỉnh qua mỗi giai đoạn

 

IPv6 là công nghệ mới, để đảm bảo chất lượng chuyển đổi IPv6 và tối ưu hoạt động mạng lưới, dịch vụ, sau mỗi giai đoạn, các đơn vị cần đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch và có phương án điều chỉnh kịp thời, cả về nội dung thực hiện và tiến độ triển khai cho phù hợp.

 

Thứ năm, tăng cường đảm bảo an toàn thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ 

 

Để tăng cường an toàn thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ cơ quan nhà nước, công tác chuyển đổi IPv6 cần gắn với quy hoạch, hiện đại hóa hạ tầng mạng lưới, dịch vụ. Các giải pháp cụ thể như sau: Quy hoạch mạng độc lập, kết nối đa hướng tới nhiều nhà cung cấp dịch vụ Internet và kết nối Trạm trung chuyển lưu lượng quốc gia (VNIX); Triển khai hệ thống DNS riêng với công nghệ an toàn bảo mật DNSSEC cho tên miền của CQNN; chuyển đổi IPv6 để tăng tốc độ và chất lượng kết nối Internet, đảm bảo truy cập của người dân, doanh nghiệp vào các dịch vụ trực tuyến của CQNN được thông suốt.

 

Việc triển khai chuyển đổi Internet thế hệ mới IPv6 bài bản, sớm tại Việt Nam hiện tại và cho giai đoạn tới sẽ phản ánh mức độ phát triển Internet quốc gia, khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế, thực hiện mục tiêu, sứ mạng mới trong việc ứng dụng công nghệ cao phát triển Internet an toàn, bền vững. Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) sẽ luôn đồng hành cùng với các cơ quan Nhà nước và cộng đồng Internet Việt Nam trong hành trình chuyển đổi IPv6, xây dựng Internet thế hệ mới hiện đại, an toàn, phát triển bền vững. Thông tin về chương trình IPv6 for Gov tại https://www.vnnic.vn/ipv6forgov.

Các bài mới

Các bài đã đăng