Lớp tập huấn sử dụng Hệ thống e-Cabinet
Đến nay, sau 3 tháng làm việc khẩn trương, đã hoàn thành xây dựng Hệ thống
với các chức năng đáp ứng yêu cầu 5 nhóm nhiệm vụ chính: Quy trình tạo, trình và
phê duyệt phiếu lấy ý kiến các Thành viên Chính phủ; Quy trình lấy ý kiến và
tổng hợp ý kiến của các Thành viên Chính phủ; Quy trình chuẩn bị cuộc họp của
Chính phủ; Quy trình tổ chức diễn biến cuộc họp Chính phủ; Quy trình ban hành
Nghị quyết phiên họp Chính phủ.
Phát biểu tại buổi tập huấn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (VPCP)
Trần Anh Tiến cho biết, đối với nội bộ VPCP, VPCP đã làm việc trên môi trường
mạng từ lâu, tuy nhiên, đối với công việc của Chính phủ, họp Chính phủ, lấy ý
kiến Chính phủ, việc thực hiện Hệ thống e-cabinet sẽ điện tử hoá toàn bộ quy
trình làm việc, không sử dụng văn bản giấy và cũng tạo điều kiện cho các thành
viên Chính phủ có thể xử lý công việc trên thiết bị di động mọi lúc mọi nơi.
“Ngay cả Estonia đã phát triển Hệ thống e-cabinet của họ từ
20 năm nay nhưng đến nay vẫn tiếp tục hoàn thiện, hàng năm vẫn chỉnh sửa cho phù
hợp. Tinh thần là chúng ta không cầu toàn, khi mới đưa vào sử dụng, hệ thống có
thể chưa được trơn tru, và sẽ được tiếp tục hoàn thiện trong quá trình sử dụng.
Tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng là trước hết các công
chức VPCP phải thật nhuyễn nghiệp vụ của hệ thống e-cabinet trước khi hệ thống
này đưa vào vận hành chính thức.
Quy mô của Hệ thống e-cabinet không phải quá lớn so với các
hệ thống mang tầm quốc gia khác , tuy nhiên, nó lại có ý nghĩa rất lớn trong
việc tạo hình mẫu, tạo sự lan toả về quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ trong xây dựng Chính phủ điện tử, trong ứng dụng CNTT, thể hiện việc Chính
phủ làm được, Thủ tướng làm được thì các bộ ngành, địa phương cũng có thể làm
được". Ông Trần Anh Tiến cho biết.
Đề án xây dựng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công
việc của Chính phủ (e-Cabinet) nhằm đổi mới phương thức làm việc của Chính phủ
trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hướng tới Chính phủ không giấy
tờ, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành
của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Thành viên Chính phủ; tạo sự lan toả
quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy mạnh ứng dụng công
nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử.
.
Đề án đặt ra các mục tiêu cụ thể như: Giảm thời gian các
phiên họp Chính phủ, phấn đấu đến hết năm 2019, giảm 30% thời gian họp so với
trung bình các năm trước; đồng thời, giảm tối đa việc sử dụng văn bản giấy đạt
mục tiêu họp Chính phủ không giấy tờ, sử dụng 100% văn bản điện tử trong các
phiên họp Chính phủ (trừ văn bản có nội dung bí mật nhà nước).
.
Các thành viên Chính phủ cho ý kiến và biểu quyết trên môi
trường điện tử có thực hiện chữ ký số đối với các công việc thuộc thẩm quyền của
Chính phủ, kể cả khi vắng mặt tại cơ quan hoặc vắng mặt tại phiên họp Chính phủ.
Đề án phấn đấu hết năm 2019, 100% các nội dung xin ý kiến thành viên Chính phủ
được xử lý trên môi trường mạng (trừ nội dung bí mật nhà nước); bảo đảm kết nối,
liên thông với các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ...