
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng cho biết, xây dựng chính quyền điện tử, phát triển các dịch vụ thành phố thông minh là vấn đề mới, phức tạp vì có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và cần nguồn kinh phí lớn để triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện đề án, UBND tỉnh Thanh Hóa nhận thấy, còn có những khó khăn, vướng mắc, lúng túng, thiếu các giải pháp, kinh nghiệm, mô hình thực tế; tính khả thi, hiệu quả của một số dự án trong đề án xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh chưa đáp ứng yêu cầu.
"Để góp phần bổ sung, hoàn thiện đề án, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tham vấn với mong muốn các chuyên gia, đại diện các tổ chức, các doanh nghiệp, các địa phương hiến kế, phản biện về các định hướng, giải pháp, các mô hình ứng dụng CNTT giúp tỉnh Thanh Hoá xây dựng thành công CQĐT, phát triển các dịch vụ thành phố thông minh giai đoạn 2019-2020 và những năm tiếp theo". Ông Xứng bày tỏ mong muốn.
Trên cơ sở báo cáo thực trạng của tỉnh về triển khai đề án xây dựng CQĐT, phát triển các dịch vụ thành phố thông minh, UBND tỉnh Thanh Hóa mong muốn được tham vấn, phản biện 5 nội dung chính:
1- Sự phù hợp khung kiến trúc CQĐT của tỉnh với dự thảo kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0; các giải pháp để xây dựng thành công CQĐT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
2- Lộ trình, kinh nghiệm triển khai các ứng dụng, các cơ sở dữ liệu, các dịch vụ công trực tuyến; những ứng dụng cần được ưu tiên; cơ chế bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong tình hình mới.
3- Định hướng phát triển một số dịch vụ thành phố thông minh tỉnh Thanh Hóa trong hai năm 2019-2020 và những năm tới trong các lĩnh vực thương mại điện tử, kết nối cung cầu, thanh toán không dùng tiền mặt, giáo dục, y tế, giao thông, an ninh trật tự, môi trường...
4- Cơ chế chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực phát triển công nghiệp phần mềm, nội dung số; lựa chọn các sản phẩm mũi nhọn của tỉnh.
5- Kinh nghiệm của các địa phương, các doanh nghiệp triển khai xây dựng CQĐT, xây dựng đô thị thông minh và khu CNTT tập trung.
Tại Hội nghị, các đại biểu trình bày những tham vấn, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng CQĐT và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh. Việc xây dựng CQĐT là để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước và cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Trong quá trình triển khai xây dựng cần tổ chức thực hiện thí điểm, rút kinh nghiệm trước khi nhân diện rộng; tiến hành dần từng bước, có những tiến bộ cụ thể và vững chắc, dựa trên đặc điểm riêng của đô thị, hài hòa giữa yêu cầu phát triển dài hạn của đô thị với nhu cầu bức thiết của người dân, bảo đảm hiệu quả đầu tư ngắn hạn và dài hạn, không phát triển tự phát, tràn lan, theo phong trào.
Việc triển khai xây dựng các dịch vụ thành phố thông minh trước hết phải căn cứ vào nhu cầu thực tế và các vấn đề bức thiết xảy ra trong quá trình đô thị hóa của địa phương. Tùy thuộc vào đặc thù của mình mà từng đô thị sẽ có nhu cầu và các vấn đề riêng cần ưu tiên thực hiện trong quá trình xây dựng thành phố thông minh. Thực hiện giám sát, điều hành tập trung thông qua một nền tảng công nghệ duy nhất; thu thập, kết nối tất cả các nguồn dữ liệu cả thời gian thực và lưu trữ. Khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu phục vụ các hoạt động của tổ chức; cho phép cộng đồng tiếp cận nguồn dữ liệu để phục vụ phát triển các dịch vụ, ứng dụng thông minh...