Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho ý kiến, gợi mở nhiều vấn đề cụ thể nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin. Ảnh: VGP/Đình Nam
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến nay các bộ ngành đã cung cấp 1.357 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4, xử lý 70,9 triệu hồ sơ trong năm 2017. Các địa phương cung cấp 31.659 dịch vụ công cấp độ 3-4, xử lý 6,5 triệu hồ sơ.
Một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã có Cổng dịch vụ công trực tuyến tập trung như: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, NN&PTNT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... Còn lại các bộ, ngành khác, các dịch vụ công trực tuyến chủ yếu được cung cấp riêng lẻ theo từng cơ quan, đơn vị trực thuộc.
Về tình hình triển khai các cơ sở dữ liệu (CSDL) nền tảng của quốc gia, những khó khăn nổi bật là các bộ ngành vẫn tiếp tục đề xuất nhiều CSDL không thuộc danh mục ưu tiên làm phân tán nguồn lực; cơ sở pháp lý của các CSDL quốc gia chưa đồng bộ, hoàn thiện; việc triển khai CSDL chuyên ngành, địa phương có phạm vi chồng lấn với CSDL quốc gia.
Đáng chú ý, việc kết nối, liên thông các hệ thống thông tin phục vụ cải cách hành chính, các CSDL giữa các bộ ngành với nhau cũng như giữa bộ ngành với địa phương rất hạn chế, không có kết nối chia sẻ trực tiếp.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng nguyên nhân chính khiến các bộ ngành, địa phương không chịu kết nối, chia sẻ là tính cục bộ và thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ.
Các thành viên Ủy ban dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận về những giải pháp cải thiện Chỉ số Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên Hợp Quốc gồm các chỉ số về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông, nguồn nhân lực.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị phải đẩy nhanh phát triển hạ tầng viễn thông trong năm 2018, đặc biệt là tần số cho mạng 4G, phát triển cáp quang băng rộng đến từng gia đình, có cách làm mới về xây dựng CSDL quốc gia theo phương thức thuê dịch vụ CNTT.
Trong khi đó, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng cần tạo điều kiện thuận lợi, chủ động cung cấp thông tin mới nhất cho các cơ quan, tổ chức tham gia đánh giá Chỉ số Chính phủ điện tử.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng tình với quan điểm để cải thiện Chỉ số Chính phủ điện tử, cần phát triển mạnh thuê bao băng rộng, tăng nhanh số dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4. “Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt nhưng đến nay dịch vụ công cấp 3 chưa đến 10%, cấp 4 chưa đến 1%, năm tới các bộ có dám tăng gấp đôi số dịch vụ công cấp độ 3-4 không”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT thực hiện ngay việc cung cấp thông tin, số liệu cơ bản về giáo dục Việt Nam cho Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) để phục vụ việc đánh giá Chỉ số Chính phủ điện tử và cập nhật thường xuyên trên cổng thông tin điện tử của Bộ.
Nhiều ý kiến cho rằng việc đầu tư, triển khai hệ thống thông tin, CSDL phải theo hình thức thuê dịch vụ CNTT, bảo đảm sẵn sàng liên thông, kết nối với các hệ thống khác để có thể chia sẻ dữ liệu. Các hệ thống của Trung ương phải có tính mở, linh hoạt để sẵn sàng liên thông, kết nối với các hệ thống của địa phương.
Ủy ban cũng đã nghe và thảo luận báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về cơ hội của DN từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự ứng dụng mạnh mẽ của CNTT; báo cáo của nhóm chuyên gia độc lập về nguy cơ an toàn, an ninh thông tin ở Việt Nam; đánh giá của Bộ KH&CN về sự chuẩn bị đón đầu đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nhiều thành viên Ủy ban nói đến sự cần thiết phải ban hành, đặc biệt là truyền thông mạnh mẽ, đầy đủ những quy định, quy trình, yêu cầu đối với các hệ thống thông tin, đặc biệt là những hệ thống thông tin quan trọng của Nhà nước, doanh nghiệp lớn.
Từ các ý kiến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng an toàn, an ninh thông tin ở Việt Nam diễn biến hết sức phức tạp với sự gia tăng các cuộc tấn công mạng, tình trạng lây nhiễm phần mềm độc hại, lộ lọt thông tin, nguy cơ phá hủy hệ thống, chiếm quyền kiểm soát…
“Các quy định về an toàn, an ninh thông tin đã có nhưng phải tìm cách phổ biến để các khái niệm, yêu cầu khô khan trở nên dễ hiểu và dễ thực hiện với tất cả mọi người”, Phó Thủ tướng gợi mở.
|
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành tiếp tục triển khai những nhiệm vụ đã được giao trong năm 2017: Quy trách nhiệm nâng cao chỉ số Chính phủ điện tử; đẩy mạnh thuê dịch vụ CNTT; hoàn thiện các quy định về sản phẩm thiết bị thông tin đặc thù chuyên biệt của Việt Nam; xây dựng cổng dịch vụ công quốc gia; đánh giá chỉ số an toàn thông tin của từng bộ ngành, địa phương.
“Những việc này có chuyển động, ‘nhúc nhích’ nhưng mức độ còn khác nhau và phải nỗ lực hoàn thành. Năm 2018, cần quán triệt tinh thần đẩy mạnh ứng dụng CNTT bằng những việc rất cụ thể, ‘làm cho bằng được’, tránh tình trạng ‘nói rất nhiều nhưng không chuyển’, ‘nói chung chung không ai làm. Các bộ ngành ở Trung ương phải đi đầu, muốn DN tốt thì Chính phủ phải gương mẫu làm trước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT, Bộ Nội vụ khẩn trương xây dựng quy định về thực hiện xử lý hồ sơ, công việc hoàn toàn trên máy tính, môi trường mạng trước hết ở cấp bộ, cấp tỉnh. Từ đó kết nối lên Văn phòng Chính phủ, Chính phủ, phục vụ công tác thông tin, chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, Văn phòng Chính phủ chuẩn bị khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia, kết nối với cổng dịch vụ công trực tuyến các bộ ngành, địa phương.
Trong xây dựng, liên thông CSDL, Phó Thủ tướng lưu ý “làm CSDL phải gắn với dịch vụ cụ thể, thực hiện bằng phương thức thuê dịch vụ CNTT”. Các CSDL phải được liên thông theo mô hình hình chóp. Các bộ ngành, địa phương chuyển về cho Chính phủ và Bộ TT&TT là đơn vị thực hiện các giải pháp kỹ thuật để liên thông.
“Nghị định về cơ chế thuê dịch vụ CNTT đang hoàn thiện, tuy nhiên, đơn vị soạn thảo cần tham khảo ý kiến của các DN CNTT để bảo đảm nghị định ban hành ra là thực hiện được. Luật pháp và mọi chính sách phải hướng tới đúng xu thế phát triển CNTT trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Phó Thủ tướng nói.
Đối với việc ứng dụng CNTT trong DN, Phó Thủ tướng nhận xét lĩnh vực thuế, bảo hiểm đã thực hiện tương đối tốt, thời gian tới các cơ quan nhà nước tập trung vào những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, dịch vụ công để DN bớt bị phiền nhiễu. “Thống kê toàn bộ những dịch vụ công liên quan đến DN để ưu tiên làm trước một bước”.
Theo Phó Thủ tướng, các DN, nhất là các DN siêu nhỏ, rất cần được tư vấn về các giải pháp về ứng dụng CNTT. Vì vậy cần xem xét giải pháp hỗ trợ các DN siêu nhỏ ứng dụng các số phần mềm về an toàn thông tin, quản lý nguồn lực, kế toán ứng dụng CNTT… Bên cạnh đó, cần tạo dựng thị trường cho DN CNTT, trước hết là thuê dịch vụ CNTT; có kế hoạch tổng thể hỗ trợ công đồng DN khởi nghiệp sáng tạo (Start-up).
Trong lĩnh vực đời sống xã hội, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc ứng dụng CNTT cần tập trung vào một số lĩnh vực được người dân quan tâm nhiều nhất: Học tập, nâng cao kiến thức; sức khoẻ; thông tin, giải trí…
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến định hướng tháo gỡ vướng mắc về tần số, cước phí để đẩy mạnh phát triển hạ tầng băng rộng, 4G; triển khai thanh toán điện tử với sự phối hợp của ngân hàng, các DN viễn thông; rà soát các quy định liên quan đến xây dựng cơ sở dữ liệu của các bộ ngành, địa phương gắn với các dịch vụ công cụ thể; phát triển một số sản phẩm, giải pháp CNTT trọng điểm quốc gia do DN Việt Nam làm chủ từ thiết kế, phần cứng, phần mềm, công nghệ sản xuất…
Đình Nam