Xây dựng Chính phủ điện tử: Hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ, xây dựng nền tảng công nghệ

(Chinhphu.vn) - Để thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số hiệu quả, thiết thực, trong thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần tập trung hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ về xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng nền tảng công nghệ phát triển Chính phủ điện tử.

Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã nhấn mạnh như trên khi trao đổi tại phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019 với chủ đề “Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0” được tổ chức sáng (3/10).

 

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2019-2020 để tạo ra những nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021-2030.

 

Để thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số hiệu quả, thiết thực, trong thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tổ chức thực hiện tốt những định hướng mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.

 

Trong đó cần tập trung hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ về xây dựng Chính phủ điện tử, cụ thể như khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu, về định danh và xác thực điện tử (trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông); Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và nhóm nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật an ninh mạng (trách nhiệm của Bộ Công an); Nghị định thay thế Nghị định số 110/2004/NĐ-CP về công tác văn thư và Đề án thực hiện nhiệm vụ lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan nhà nước (trách nhiệm của Bộ Nội vụ); Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử (trách nhiệm của VPCP).

 

Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Chính phủ điện tử, các nghị định, văn bản hướng dẫn bảo đảm hành lang pháp lý phát triển Chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu mở, ứng dụng các công nghệ hiện đại (như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, Internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, giao diện lập trình ứng dụng mở...).

 

Việc xây dựng nền tảng công nghệ phát triển Chính phủ điện tử tập trung vào xây dựng trình Thủ tướng ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0) làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương ban hành kiến trúc chính phủ điện tử, chính quyền điện tử các bộ, ngành, địa phương; phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia trên cơ sở Trục liên thông văn bản quốc gia đã được VPCP xây dựng và đưa vào vận hành; khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia ưu tiên triển khai (như Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia,…).

 

Bên cạnh đó xây dựng, hoàn thiện các hệ thống Chính phủ điện tử nhằm tăng cường xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

 

Đối với cung cấp dịch vụ công trực tuyến, VPCP hiện đang xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh tuân thủ nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm. Trước mắt, ưu tiên cung cấp những dịch vụ công mà người dân, doanh nghiệp quan tâm như: Thu tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, cấp đổi giấy phép lái xe, thông báo khuyến mại, thuế, đăng ký kinh doanh… và dự kiến sẽ đưa Cổng dịch vụ công quốc gia vào vận hành trong cuối tháng 11/2019.

Các bài mới

Các bài đã đăng